Những ông kẹ ngày Tết

Những ông kẹ ngày Tết

Theo phong tục từ ngàn xưa, ba ngày tết là dịp người thân, gia đình, bè bạn tụ họp lại để tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn, cùng nhau quây quần bên mâm cơm ôn lại kỷ niệm, chia sẻ những chuyện vui đã gặp trong năm cũ và cầu chúc cho nhau một năm mới với nhiều thành công và thuận lợi hơn. Trong những ngày này, người lớn thường bị cuốn hút vào cuộc trò chuyện rôm rả hay mải mê trong hương nồng chén chú chén anh mà có phần lơ là con trẻ, bỏ mặc cho chúng chơi đùa và đối mặt với những “ông kẹ” nguy hiểm đang rình rập xung quanh.

ThS-BS Phạm Đình Nguyên- Bệnh viện Nhi Đồng 1

Nấp trong tai

Ẩn mình trong dáng vẻ hiền lành, gần gũi, những vật tưởng chừng vô hại như hạt ngũ cốc, hòn sỏi, mẩu đất sét để nặn hình, đầu bút chì, mảnh nhựa hay những đồ vật có kích thước nhỏ khác lại có thể trở thành “ông kẹ” khi bé tình cờ nhặt được và cho vào tai. Nếu như khi nhét những vật lớn gây bít tắc và chèn ép ống tai hay bị côn trùng chui vào tai, bé thường khóc thét lên vì đau đớn thì khi nhét những vật có kích thước rất nhỏ vào tai, bé thường không có biểu hiện gì khác thường. Nếu bé không nói, có thể người lớn chỉ phát hiện ra khi đang chơi đùa, tắm cho trẻ hay khi các vật lạ này nở phình lên gây bít tắc và nhiễm trùng trong tai. Lúc này, trẻ thường hay quấy, tai có thể có mùi hôi, có mủ chảy ra. Nếu đã biết nói, đôi lúc trẻ sẽ than phiền với cha mẹ rằng mình bị đau tai hay nghe không rõ một bên tai. May mắn thay, đa số các trường hợp dị vật tai thường không nguy hiểm đến tính mạng và không cần thiết phải đi đến bác sĩ ngay trong đêm khuya. Vì vậy nếu phát hiện dị vật khi bé đang ngủ, hãy tiếp tục để bé yên giấc và đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa vào ngày hôm sau. Điều quan trọng cần lưu ý là không nên cố gắng lấy dị vật cho bé tại nhà vì dụng cụ và kỹ thuật không đúng sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn, làm trầy da, rách da ống tai hay thủng màng nhĩ. Điều này sẽ dẩn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm nhiễm, chít hẹp ống tai và ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ sau này.

Ẩn trong mũi

Dị vật mũi là một tình huống thường gặp tại các phòng khám Tai Mũi Họng. Đa số các trường hợp trong khoảng 1-8 tuổi, tập trung chủ yếu ở những bé mới chập chững biết đi. Trên thực tế, ít khi gặp dị vật mũi ở trẻ nhỏ hơn một tuổi. Điều này có lẽ do khả năng cầm nắm của trẻ chỉ bắt đầu hoàn thiện từ tháng thứ chín trở đi. Nguyên nhân tại sao trẻ nhét đồ vào mũi còn nhiều bàn cãi, hầu hết các nhà chuyên môn đều cho rằng trẻ nhét đồ chơi vào mũi do thấy nhàm chán, tò mò hay bắt chước những trẻ khác.

Tương tự như dị vật tai, trẻ có thể đưa vào mũi mảnh giấy, cọng thun, viên bi, hạt trái cây, mẩu bánh mứt hay bất cứ vật nào có kích thước nhỏ mà chúng tìm thấy xung quanh. Sau khi đưa vào mũi, tùy theo tính chất và kích thước của dị vật mà biểu hiện sẽ khác nhau. Bé có thể ngạt mũi, thở khó khăn nếu dị vật lớn gây bít tắc mũi. Mũi đau rát, chảy nhiều dịch và sủi bọt, bỏng niêm mạc, thủng vách ngăn mũi nhanh chóng nếu chẳng may dị vật bé nhét vào mũi là viên pin nhỏ (thường được dùng để chạy đồ chơi, đồng hồ, máy tính…).

Trong những tình huống như vậy, bé cần phải được đưa đến bệnh viện để lấy dị vật ra khỏi mũi càng sớm càng tốt. Nếu dị vật có kích thước nhỏ và ít gây kích ứng, chúng có thể nằm sâu trong mũi trẻ một thời gian dài sau đó mới có gây viêm loét vùng cửa mũi, ngạt mũi, chảy mũi một bên, dịch mũi hôi có thể có máu. Những triệu chứng này còn có thể gặp ở một số bệnh lý trầm trọng khác ở vùng mũi họng vì vậy hãy đưa trẻ đến bệnh viện để khám nếu trẻ có biểu hiện như trên. Tại bệnh viện, nếu phát hiện thấy dị vật, bác sĩ có thể dùng móc chuyên dụng, ống hút để lấy chúng ra một cách nhanh chóng. Đôi khi trẻ cần được gây mê toàn thân và dị vật được lấy ra dưới sự trợ giúp của hệ thống nội soi nếu dị vật quá nhỏ hay nằm khuất sâu trong hốc mũi, trẻ sợ hãi, quấy khóc, không hợp tác tốt …

Trốn trong đường ăn

Việc chuẩn bị và tiếp đãi khách khứa trong những ngày tết chiếm khá nhiều thời gian và làm cho người lớn cảm thấy mệt mỏi. Điều này khiến họ trở nên vội vã hơn khi cho trẻ ăn. Một mẩu xương còn sót lại trong thức ăn cũng có thể cắm vào họng hay thực quản làm bé đau nhức không thể nuốt được và tụ mủ gây nguy hiểm đến tính mạng của bé nếu không được nhanh chóng lấy ra Hãy để mắt đến bé nhiều hơn, bởi một chiếc kẹp tóc nhỏ xinh hay một đồng xu mừng tuổi đều có thể trở thành kẻ thù nguy hiểm khi bé nuốt vào. Sau khi nuốt vật lạ vào họng, nếu có kích thước nhỏ thì vật này có thể băng qua những chổ hẹp của thực quản để xuống phía dưới và thải ra ngoài. Có khi dị vật qua được thực quản nhưng lại bị chặn lại ở ruột dẫn đến tắc ruột. Nếu có kích thước lớn, dị vật có thể bị mắc kẹt lại ở thực quản gây nuốt vướng, khó nuốt, nuốt đau khiến bé không ăn uống được, miệng ứ đọng nhiều nước bọt. Sẽ rất nguy hiểm nếu vật bé nuốt vào có độc tính hoặc có cạnh sắc nhọn vì chúng sẽ gây ngộ độc khi vào cơ thể của bé hay đâm thủng thực quản, thủng ruột… Đây là những biến chứng rất đáng sợ và cần can thiệp khẩn cấp.

Khi phát hiện bé nuốt dị vật, cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện. Tùy từng trường hợp cụ thể mà cách xử trí khác nhau. Nếu dị vật là xương cá cắm ở amiđan hay đáy lưỡi và bé hợp tác tốt thì xương cá sẽ được bác sĩ lấy ra một cách dể dàng. Tuy nhiên, để lấy được những dị vật nguy hiểm và nằm ở những vị trí phức tạp, trẻ cần được chuyển vào phòng mổ và gây mê. Việc này đòi hỏi phải thực hiện ở những cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị và phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm. Sau khi gắp dị vật, bé có thể xuất viện trong ngày hay lưu lại nhiều ngày trong bệnh viện và phải tiếp tục theo dõi một thời gian dài sau đó.

Khuất trong đường thở

Dị vật đường thở thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, tập trung chủ yếu trong khoảng 1-3 tuổi. Có lẽ ở lứa tuổi này, răng và chức năng nhai chưa hoàn chỉnh nên trẻ có khuynh hướng nuốt từng mảnh lớn thức ăn hơn là nhai nát. Hơn nữa, do trẻ có thói quen ngậm đồ vật và thức ăn trong miệng nên các đồ vật và thức ăn này rất dể rơi vào đường thở khi trẻ khóc, cười, chạy nhảy hay ho sặc trong lúc đang ăn. Ngay sau khi dị vật rơi vào đường thở, trẻ sẽ ho sặc sụa, tím tái, vả mồ hôi (hội chứng xâm nhập). Trẻ có thể bứt rứt, vật vã, thở co kéo và tử vong nhanh chóng nếu dị vật lớn gây bít tắc đoạn trên của đường thở (thanh môn). Nếu dị vật nhỏ và đi xuống dưới các triệu chứng này có thể tạm thời mất đi. Điều này khiến người lớn chủ quan không đưa trẻ đến bệnh viện. Trong những trường hợp như vậy, trẻ có thể sẽ có những biểu hiện như khó thở cơn, thở khò khè, ho kéo dài hoặc tái đi tái lại, viêm phổi tái phát nhiều lần, áp –xe phổi …. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng đắn trẻ sẽ chết trong bệnh cảnh suy hô hấp, suy kiệt, nhiễm trùng, nhiễm độc…. Chính vì vậy khi nghi ngờ dị vật đường thở cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Tại bệnh viện, sau khi đưa vào phòng mổ gây mê và gắp dị vật, trẻ sẽ được điều trị tích cực vài ngày trước khi xuất viện. Các bác sĩ có thể yêu cầu trẻ tái khám đôi lần sau đó để chắc rằng bé hoàn toàn bình phục. Dị vật đường thở rất đa dạng, chúng có thể là chiếc kẹp giấy, cây đinh gim, khuy áo, mảnh đồ chơi, viên bi nhựa, hạt dưa, hột đậu phộng, hạt hướng dương, hạt mãng cầu, mảnh xương động vật, miếng thịt vụn…. Do vậy, để hạn chế nguy cơ trẻ bị dị vật đường thở cần chăm sóc trẻ cẩn thận hơn. Khi mua đồ chơi, cần lưu ý  lựa chọn loại có kích thước phù hợp với lứa tuổi của trẻ, tránh cho trẻ chơi những đồ cho trẻ chơi những đồ chơi quá nhỏ để trẻ có thể đưa vào miệng và sặc vào đường thở. Tránh chọc cho trẻ cười khi đang ăn hoặc đút đồ ăn cho trẻ khi bé đang khóc.

XEM THÊM

KẾT NỐI

Tổng đài hỗ trợ: (08:00- 17h30)
1900 638 008

CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM VITA SIGNATURE

Giấy CNĐKDN: 0316107415. Ngày cấp 10/01/2020
Cơ quan cấp: Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch đầu tư TP HCM
Đại chỉ đăng ký kinh doanh: 204 Nơ Trang Long, Phường 12, Quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh
Điện thoại: 1900 638 008
Email: admin@vitasignature.com

FACEBOOK MESENGER