Đau mắt đỏ - Bệnh không của riêng ai

Đau mắt đỏ
Bệnh không của riêng ai

Đau mắt đỏ là một trong những lý do thường gặp khiến người bệnh phải tìm đến bác sĩ. Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và có khả năng lây lan nhanh chóng do vậy rất dễ khởi phát thành dịch. Bệnh thường có khả năng thuyên giảm và giới hạn sau hai tuần. Tuy nhiên nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, đau mắt đỏ có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng như giảm thị lực hay mù mắt.

ThS-BS Phạm Đình Nguyên- Bệnh viện Nhi Đồng 1

Nguyên nhân gây đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là tình trạng tổn thương lớp màng mỏng của mắt gây ra do chấn thương mắt, đeo kính sát tròng lâu ngày, dị ứng, bệnh tự miễn hay do nhiễm các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng…Virus là nguyên nhân gây đau mắt đỏ thường gặp nhất và dễ khởi phát thành dịch do khả năng lây lan từ người này sang người khác một cách nhanh chóng.

Đau mắt đỏ lây lan như thế nào:

Vi khuẩn hay virus lây lan khi các bé tiếp xúc với bạn bè hay những người xung quanh bị đau mắt đỏ. Đôi khi bé bị nhiễm bệnh chỉ do sử dụng chung khăn tắm, đồ chơi với trẻ bệnh hay cầm nắm những vật dụng bị dính dịch tiết có chứa virus, vi khuẩn gây bệnh.

Những biểu hiện thường gặp

Sau khi bị lây nhiễm, tùy theo tác nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe của trẻ mà thời gian ủ bệnh và biểu hiện sẽ khác nhau. Bên cạnh dấu hiệu đỏ mắt, trẻ còn có triệu chứng như nhức mắt, chảy nước mắt nhiều, đóng ghèn, sợ ánh sáng, đau và rất khó chịu khi mở mắt, cảm giác xốn như có vật lạ trong mắt. Đôi khi trẻ có tình trạng nhìn mờ hay giảm thị lực.

Biến chứng của bệnh đau mắt đỏ:

Mặc dù đau mắt đỏ thường giới hạn sau 7-10 ngày. Tuy nhiên nếu không được chăm sóc và điều trị thích hợp bệnh có thể diễn tiến trầm trọng hơn và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm kết mạc mãn tính, đau mắt hột, viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc, giảm thị lực, mù mắt…

Đến bác sĩ khi nào

Mắt được xem là cơ quan nhạy cảm và dễ tổn thương nhất của cơ thể. Do vậy không nên tự nhỏ thuốc hay đắp các loại lá cây khi mắt đỏ. Điều bạn nên làm là dùng NatriClorua, Effticol 0.9% hay các loại nước mắt nhân tạo để làm sạch mắt và nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ nếu bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc nặng hơn.

Tại bệnh viện, ngoài việc thu thập những thông tin cần thiết như tình trạng sức khỏe chung của bé, tiền căn dị ứng, các yếu tố nguy cơ và ghi nhận biểu hiện mắt đỏ của những người xung quanh bé để định bệnh chính xác đôi khi bác sĩ cần thiết phải thực hiện các phương pháp chẩn đoán chuyên biệt như kiểm tra thị lực, nhuộm-soi mắt, phết dịch mắt nuôi cấy và làm kháng sinh đồ…

Điều trị bệnh thích hợp

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị khác nhau bao gồm loại bỏ yếu tố nguy cơ, kiểm soát bệnh tiềm ẩn, dùng thuốc giảm đau và kháng dị ứng để giảm cảm giác đau nhức, giảm ngứa mắt và hạn chế sự tăng tiết nước mắt quá mức. Bên cạnh việc dùng nước muối sinh lý để làm sạch ghèn và vệ sinh mắt nhiều lần trong ngày, thuốc nhỏ mắt có hoặc không chứa kháng sinh sẽ được chỉ định nhỏ mắt 2-3 lần/ ngày tùy trường hợp. Mặc dù những thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid như dexamethasone, prednisolone đôi khi giúp đẩy lùi triệu chứng nhanh hơn tuy nhiên không nên sử dụng khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ vì những thuốc này có thể viêm loét giác mạc, giảm thị lực, thậm chí gây mù mắt nếu dùng không đúng.

Không nên cho bé uống kháng sinh khi bị đỏ mắt vì kháng sinh không cần thiết phải sử dụng trong hầu hết các trường hợp.

Không tự ý xông thuốc hay đắp lá cây vào mắt khi bị đau mắt đỏ vì độc chất hay vi khuẩn trong lá cây có thể làm cho tổn thương ở mắt trở nên trầm trọng hơn.

Phòng bệnh và hạn chế lây lan

Để giảm nguy cơ bị đau mắt đỏ cần hạn chế cho trẻ đeo kính sát tròng nhất là khi đi bơi.Nếu cần thiết phải đeo kính sát trong cần rữa tay trước khi tiếp xúc với kính. Hàng ngày tháo kính trước khi đi ngủ và làm sạch kính bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng. Chú ý hạn dùng của dung dịch này và thời gian khuyến cáo sử dụng sau khi mở nắp để thay thế chai mới ngay cả khi chai cũ vẫn đang còn nhiều. Thay kính sát trong định kỳ mỗi sáu tháng.

Rửa tay thường xuyên là các hữu hiệu để phòng bệnh đau mắt đỏ. Nên tập cho trẻ thói quen rửa tay sau khi từ trường hay khu vui chơi bên ngoài về nhà, không lấy tay dụi mắt.

Không dùng chung khăn mặt , khăn tắm và thường xuyên giặt rồi sấy khô hoặc phơi dưới nắng.

Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mắt bé đều đặn mỗi buối tối trước khi đi ngủ để loại bỏ bụi bẫn.

Khi bị đau mắt đỏ, trẻ cần được điều trị tích cực và hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh ít nhất 7 ngày để tránh lây bệnh cho người khác.

Không dùng thuốc đã nhỏ mắt bên bệnh để nhỏ vào mắt bên lành. Nếu trong gia đình có nhiều thành viên bị đau mắt đỏ, không nên dùng chung thuốc nhỏ mắt, mỗi người cần có một lọ thuốc nhỏ mắt riêng.

Không nên cho trẻ đi bơi ở hồ bơi công cộng hay đến những nơi đông người khi đang có dịch đau mắt đỏ lưu hành.

XEM THÊM

KẾT NỐI

Tổng đài hỗ trợ: (08:00- 17h30)
1900 638 008

CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM VITA SIGNATURE

Giấy CNĐKDN: 0316107415. Ngày cấp 10/01/2020
Cơ quan cấp: Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch đầu tư TP HCM
Đại chỉ đăng ký kinh doanh: 204 Nơ Trang Long, Phường 12, Quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh
Điện thoại: 1900 638 008
Email: admin@vitasignature.com

FACEBOOK MESENGER